Du Lịch

Sinh Viên Hpu Tham Gia Hoạt Động Học Tập Trải Nghiệm Nghệ Thuật Múa Rối Nước

Chiều 9 tháng 4 năm 2024, các sinh viên của khoa Du lịch và khoa Quản trị kinh doanh Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng đã có buổi học tập trải nghiệm về nghệ thuật múa rối nước tại làng Nhân Hòa – Vĩnh Bảo – Hải Phòng. Hoạt động này là hoạt động học thực tế của môn Cơ sở văn hóa Việt Nam của sinh viên hai khoa và môn Nghiệp vụ hướng dẫn du lịch của sinh viên Du lịch, môn Kinh tế vi mô của sinh viên Quản trị kinh doanh. Ngoài ra, chương trình cũng nằm trong chủ trương đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với sinh viên của Nhà trường.

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”, các “chú Tễu” và “cô Chàng Chàng” HPU háo hức lên xe để tới làng Nhân Hòa thuộc huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng. Đây là nơi hiếm hoi còn gìn giữ và khai thác nghệ thuật múa rối nước của người Việt. Nghệ thuật múa rối được cho là ra đời từ khoảng 3000 năm trước công nguyên với nhiều loại hình như rối dây, rối que, rối bóng, rối tay, rối mặt nạ... những loại hình rối này đều biểu diễn trên cạn; chỉ có ở Việt Nam có loại hình rối biểu diễn trên mặt nước.

Tới đình làng Nhân Hòa, nơi còn lưu giữ một nhà hát múa rối nước ngay trên ao đình, các bạn chăm chú xem các tiết mục biểu diễn do những nghệ nhân tạo con rối và cũng kiêm nghệ sĩ điều khiển rối trình diễn.

Sinh viên chụp ảnh cùng những nghệ sĩ thầm lặng phía sau bức mành sân khấu, ngâm mình dưới nước lạnh, dành trọn hào quang cho những con rối lung linh tỏa sáng trước khán giả!

Vở rối được tạo nên từ nhiều tích truyện (tích trò), khắc họa cuộc sống sinh hoạt thường ngày cùng những sự tích dân gian của người Việt, qua đó phản ánh ước mơ của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn.  Những tích trò tiêu biểu trong các vở rối phải kể đến như tích trò ca ngợi việc đồng áng, đi bừa, đi cấy, đánh cá, úp rơm, giã gạo…; tích trò miêu tả cảnh lễ hội như đua thuyền, chọi trâu, đấu vật, chọi gà…; tích trò ca ngợi truyền thống đánh giặc của Bà Trưng, Bà Triệu, Vua Lê Lợi hoàn kiếm…; những tích trò lấy cảm hứng từ những vở chèo nổi tiếng như Quan âm Thị Kính… hay xuất phát từ nghi thức tín ngưỡng như đi chùa, nước thần, lễ hội…  Từng vở múa rối hiện lên như một bức tranh tả thực về thiên nhiên cuộc sống của những làng quê, từ mái đình, lũy tre, đình làng, lễ hội… Giữa những lời ca, tiếng nhạc đậm nét văn hóa dân gian, những con rối hóa thân thành từng anh chàng nông dân, chị em đi cấy lúa, nam nữ trẩy hội, ngư ông câu cá, anh hùng ra trận, ông bụt hiền hòa… Múa rối hấp dẫn người xem bởi sự duyên dáng hài hước và hóm hỉnh của từng nhân vật nhưng đồng thời cũng gợi cho người xem những xúc cảm về quê hương, nguồn cội mội cách dung dị nhất.

Mặc bộ áo bảo hộ, các bạn trải nghiệm việc điều khiển con rối chuyển động trên mặt nước

Sinh viên tìm hiểu cấu tạo con rối

Bác nghệ nhân hướng dẫn sinh viên cấu tạo và cách sử dụng nhạc cụ trong vở diễn rối nước

Hơn cả kiến thức thu được về một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của dân tộc, việc tiếp xúc với các bác nghệ nhân đã cho sinh viên những bài học thực tế giá trị. Tại sao một loại hình nghệ thuật độc đáo như vậy, được quốc tế công nhận nhưng chưa được khai thác tốt ở ngay môi trường phát sinh? Thương lắm những bác nghệ sĩ, có khi đang đi làm ruộng, có đoàn khách muốn xem lại rửa qua đôi chân lấm bùn rồi đi biểu diễn. Vậy mà nụ cười lạc quan, hồn hậu vẫn tươi rói trên môi. Việc khai thác các tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc của dân tộc một cách bền vững, mang lại sinh kế tốt cho người dân địa phương là vấn đề chương trình trải nghiệm mong khơi gợi được từ các bạn sinh viên. Trong định hướng của Nhà trường, sinh viên sẽ được tăng cường học thực tế tại doanh nghiệp, học trong đời sống thực tế của người dân giúp tăng kiến thức thực tế, khơi dậy ước mơ hoài bão làm giàu cho bản thân và quê hương. Đây cũng là mục đích xa hơn của giáo dục đại học mà Nhà trường mong muốn đem lại cho sinh viên.

(Ths. Vũ Thị Thanh Hương - Khoa Du lịch)